VAI TRÒ CỦA VIỆC ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU ĐỘT QUỴ

VAI TRÒ CỦA VIỆC ĐIỀU TRỊ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SAU ĐỘT QUỴ

Phục hồi sau đột quỵ là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia của nhiều yếu tố như quyết tâm của người bệnh, sự hỗ trợ của người nhà, chất lượng của các dịch vụ y tế…

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là một tình trạng y tế cấp cứu xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến một phần của não bị gián đoạn. Điều này dẫn đến việc các tế bào não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng, gây tổn thương hoặc chết tế bào. Có ba loại đột quỵ chính, bao gồm:

– Đột quỵ nhồi máu não (thiếu máu cục bộ): do cục máu đông chặn dòng máu đến não.

– Đột quỵ xuất huyết não: xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và gây chảy máu.

– Thiếu máu não thoáng qua (thường được gọi là đột quỵ nhỏ): là sự tắc nghẽn tạm thời dòng máu, chỉ kéo dài vài phút. Ngay cả khi chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, thiếu máu não thoáng qua vẫn là một dấu hiệu cảnh báo về đột quỵ trong tương lai.

Phục hồi sau đột quỵ: 7 điều bạn cần biết

Phục hồi chức năng sau đột quỵ là việc làm cấp bách, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều trị kịp thời và áp dụng đúng phương pháp sẽ giúp người bệnh khôi phục lại chức năng vốn có, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường, tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), một số người có thể phục hồi nhanh chóng trong vài tuần, trong khi những người khác có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Để thích nghi với những thay đổi sau đột quỵ, nhiều người cần điều chỉnh không gian sống của mình.

“Thường thì, những cải thiện đáng kể nhất sẽ xảy ra trong 3-6 tháng đầu tiên sau đột quỵ, khi não bộ đang tích cực điều chỉnh và học lại các kỹ năng,” TS. BS. Nikhil B, chuyên khoa thần kinh tại Bệnh viện SPARSH (Ấn Độ) chia sẻ. 

Dưới đây là những gì bạn cần làm để hỗ trợ, điều trị phục hồi chức năng ở người bị đột quỵ não:

Thực hiện theo kế hoạch phục hồi có cấu trúc

Quá trình phục hồi sau đột quỵ thường bao gồm các liệu pháp như vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp và trị liệu ngôn ngữ. Mỗi loại liệu pháp sẽ tập trung vào các khía cạnh khác nhau để giúp bệnh nhân phục hồi toàn diện.

– Vật lý trị liệu: Giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, khả năng phối hợp vận động và thăng bằng, đặc biệt hữu ích cho những người bị tê cứng hoặc yếu một bên cơ thể.

– Trị liệu nghề nghiệp: Hỗ trợ bệnh nhân học lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa… giúp họ trở nên tự lập hơn.

– Trị liệu ngôn ngữ: Cải thiện khả năng nói, hiểu và nuốt, rất quan trọng đối với những người gặp khó khăn trong giao tiếp sau đột quỵ.

Duy trì chế độ ăn uống thân thiện với người bị đột quỵ

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và phòng ngừa tái phát đột quỵ. Việc bổ sung nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, hỗ trợ quá trình chữa lành.

Để kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ, bạn nên hạn chế tiêu thụ muối và chất béo không lành mạnh. Đặc biệt, chế độ ăn ít protein có thể cải thiện đáng kể chức năng vận động ở những người đã từng bị đột quỵ. Nghiên cứu năm 2019 năm 2019 trên tạp chí Nutrients cho thấy người ăn kiêng ít protein có trương lực cơ tốt hơn ở tay và chi trên sau đột quỵ.

Tham gia tập thể dục thường xuyên, có hướng dẫn

Tập luyện thể dục thường xuyên là một phần không thể thiếu trong quá trình phục hồi sau đột quỵ. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, kéo giãn hoặc tập tạ nhẹ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện sức bền và sức khỏe tim mạch. Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Stroke Research And Treatment, tập luyện sức đề kháng còn có thể giúp cải thiện đáng kể chức năng vận động ở những người đã từng bị đột quỵ.

Tuân thủ theo đơn thuốc

Thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Các loại thuốc thường được kê đơn bao gồm:

– Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, nguyên nhân chính gây đột quỵ.

– Thuốc hạ huyết áp: Kiểm soát huyết áp cao, một yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ.

– Statin: Giảm cholesterol trong máu, giúp làm sạch mạch máu. Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc đều đặn và đi khám theo lịch hẹn để theo dõi và điều chỉnh liều lượng khi cần.

Theo dõi huyết áp

Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ và các bệnh tim mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, việc giữ huyết áp ở mức ổn định dưới 120/80 mmHg có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ tái phát.

Để theo dõi huyết áp hiệu quả, bạn nên sử dụng máy đo huyết áp tại nhà và thường xuyên kiểm tra. Tuy nhiên, việc thăm khám bác sĩ định kỳ vẫn rất quan trọng để được tư vấn và điều chỉnh phác đồ điều trị (bao gồm thuốc và lối sống) một cách phù hợp.

Tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý và cảm xúc

Nhiều người sau đột quỵ phải đối mặt với những thay đổi về thể chất và nhận thức, điều này có thể dẫn đến cảm giác trầm cảm, lo lắng hoặc thất vọng. Để vượt qua những khó khăn về tâm lý, việc trò chuyện với nhà tâm lý học hoặc tham gia các nhóm hỗ trợ là rất cần thiết.

Tham gia các hoạt động nhận thức

Các hoạt động như chơi trò chơi trí não, giải câu đố hoặc đọc sách có thể giúp kích thích não bộ, hỗ trợ quá trình phục hồi nhận thức. Nếu bạn gặp khó khăn với trí nhớ hoặc ngôn ngữ, các bài tập nhận thức có cấu trúc, có thể được thực hiện tại nhà hoặc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sẽ giúp cải thiện đáng kể chức năng nhận thức của bạn theo thời gian.

#Dongtan_an_tam_cung_hoan

Tham khảo: suckhoecong.vn